Thông kê truy cập
CÔNG TÁC ĐẢNG
Nam Hồng là một trong 24 xã, thị trấn của huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, cách trung tâm huyện 8km, cáchtrung tâm thành phố Hà Nội 22km. Suốt chiều dài lịch sử, nhân dân Nam Hồng luôn phát huy truyền thống cần cù sáng tạo trong lao động; kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nam Hồng đã đóng góp sức người, sức của cho cách mạng, góp phần cùng cả nước bảo vệ độc lập dân tộc, đánh thắng các kẻ thù xâm lược và giành nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Năm 1945, nhân dân trong xã cùng nhân dân cả nước nhất tề đứng lên làm cách mạng, với sức mạnh quật khởi làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thắng lợi đó chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp, lật đổ chế độ phong kiến tồn tại trên đất nước ta hàng nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Truyền thống vẻ vang và lịch sử hào hùng là nền tảng cơ bản của sự ra đời Chi bộ Đảng Phúc Long năm 1946 (tiền thân của Đảng bộ xã Nam Hồng ngày nay). Khi mới được thành lập, Chi bộ Phúc Long có 7 đảng viên (gồm các đồng chí Phạm Tuần, Phạm Ngôn, Nguyễn Vũ Kha, Trần Vũ Thái, Trần Vũ Dũng, Trần Văn Lợi, Đoàn Tuyết) - đây là những hạt nhân ưu tú trong các nhóm Việt Minh trước Cách mạng Tháng Tám. Chi bộ Đảng ra đời đã lãnh đạo phong trào cách mạng trên một địa bàn rộng. Từ thực tiễn hoạt động cách mạng, tổ chức Đảng không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và trình độ, năng lực công tác, đủ sức lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương.
Tháng 3-1946, xã Đông Đồ và xã Tằng My được sáp nhập thành một, lấy tên là xã Phúc Long. Ngày 17-6-1949, xã Phúc Long hợp nhất với xã Tuyên Nghĩa lấy tên xã là Đông Thành. Ngày 10-11-1949, xã Đông Thành đổi tên là xã Nam Hồng. Tháng 4-1955, Nam Hồng được tách ra thành 2 đơn vị hành chính là Phúc Long và Nam Hồng (xã Nam Hồng gồm các thôn Đoài, Đìa, Vệ, Tằng My). Đến nay, Nam Hồng có các thôn: Đoài, Đìa, Vệ, Tằng My và khu dân cư Cầu Lớn.
Trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân Nam Hồng không phân biệt trai, gái, già, trẻ tích cực tham gia tạo dựng chuỗi làng kháng chiến thành một khu du kích vững chắc, anh hùng đánh địch quyết liệt. Một sáng tạo được ghi nhận rõ nét nhất đó là hệ thống giao thông hầm trong lòng đất gọi là “địa đạo”. Hàng vạn mét khối đất đã được đào lên tạo thành đường hầm bí mật nhằm tránh sự tấn công của địch, cùng hệ thống các đường hào nối các thôn làng để cơ động đánh địch. Đây là sản phẩm của trí tuệ thông minh, sáng tạo tuyệt vời của nhân dân Nam Hồng trong kháng chiến chống Pháp. Địa đạo Nam Hồng đã góp phần làm nên trang sử vẻ vang của cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại, di tích đã được công nhận Di tích Lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Xã Nam Hồng còn là nơi cán bộ, bộ đội, du kích về hoạt động cách mạng được nhân dân trong xã bảo vệ, nuôi giấu an toàn.
Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Nam Hồng đã kiên cường cùng lực lượng vũ trang phòng không bắn trả máy bay địch, rà phá bom mìn do địch thả xuống địa bàn xã, huyện. Năm 1961, để để ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, đồng thời tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Huyện ủy Đông Anh quyết định thành lập Đảng bộ xã Nam Hồng. Sau khi được thành lập, Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo nhân dân toàn xã thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng đất nước và chi viện cho tiền tuyến.
Tự hào và phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, dưới ánh sáng nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc qua các nhiệm kỳ, Đảng bộ Nam Hồng đã vận dụng và cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của cấp trên phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Sau hơn 30 năm đổi mới (1986-2020), Nam Hồng đã giành được những kết quả quan trọng: Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; diện mạo nông thôn mới khang trang, văn minh, hiện đại; bảo tồn và phát huy được những nét đẹp truyền thống hàng nghìn năm.
Với những đóng góp xuất sắc vào thắng lợi trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 29-1-1996, nhân dân và lực lượngvũ trang xã Nam Hồng được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp".
Trải qua chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ xã Nam Hồng luôn thực hiện tốt những quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và các Chỉ thị của Trung ương, Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy Đông Anh về tổ chức các kỳ Đại hội Đảng bộ. Chi bộ Phúc Long 5 kỳ Đại hội; Chi bộ, Đảng bộ Nam Hồng 28 kỳ Đại hội. Mỗi nhiệm kỳ đều là những mốc son lịch sử quan trọng, phản ánh toàn diện quá trình Đảng bộ lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh.
-QĐ-